Hiện nay, giáo dục và đào tạo nói chung, giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh nói riêng chịu sự tác động nhiều chiều của xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Xu thế đó đặt văn hóa, giáo dục trước những thách thức, những nguy cơ bất ổn. Đó là khuynh hướng phổ biến các mô típ văn hóa chung toàn cầu, dẫn đến nguy cơ “đồng nhất các giá trị văn hóa”, đe dọa, xóa bỏ sự khác biệt về văn hóa giữa các quốc gia dân tộc. Bên cạnh đó, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, mang đến cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, trong đó có Việt Nam. Do vậy, Nghị quyết 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đã định hướng đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo “chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học. Học đi đôi với hành; lý luận gắn với thực tiễn; giáo dục nhà trường kết hợp với giáo dục gia đình và giáo dục xã hội”, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc, góp phần thực hiện mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI.
Thực hiện kế hoạch nhiệm vụ năm học 2023–2024 của trường Tiểu học Bắc Sơn chọn chuyên đề giáo dục lối sống với chủ đề “Lòng biết ơn” để thắp lên ngọn lửa về lòng yêu thương của thể hệ trẻ thơ nhằm giúp các em học sinh có cơ hội lắng mình lại, cảm nhận được những giá trị về lòng biết ơn, hiểu rõ hơn về lòng biết ơn ông bà, cha mẹ, thầy cô, đồng thời phát triển trí tuệ, đạo đức từ đó cố gắng học tập tốt, biết sống yêu thương mọi người xung quanh mình.
Thêm một người quả đất sẽ chật thêm
Nhưng thiếu mẹ thế gian đầy nước mắt.
Trái tim cha là đại dương to lớn
Mà cội nguồn là những giọt yêu thương.
Đây là một hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh và bồi đắp cho các em những cảm xúc nhân văn cao đẹp. Diễn giả Nguyễn Hiểu Linh, chuyên gia giáo dục kỹ năng sống trực tiếp nói chuyện tại chuyên đề.
Trong Chương trình GDPT 2018, nhiều môn học có tiềm năng lớn trong giáo dục đạo đức cho học sinh, thể hiện ở việc trong nội dung chương trình của các môn học đã chứa đựng rất nhiều nội dung giáo dục đạo đức lối sống, đặc biệt là các môn học: Đạo đức, Tiếng Việt, Tự nhiên và Xã hội, Lịch sử và Địa lí, Nghệ thuật ở Tiểu học.
Giáo dục đạo đức cho học sinh qua các môn học do giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm chính nhưng được thực hiện dưới sự chỉ đạo của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn, tổ trưởng bộ môn và với sự phối hợp của các lực lượng giáo dục khác trong và ngoài nhà trường như: giáo viên chủ nhiệm, cha mẹ học sinh, chính quyền địa phương, các chuyên gia ở địa phương, những người có uy tín trong cộng đồng… Tùy theo khả năng và điều kiện thực tế của từng người mà sự tham gia của họ có thể là trực tiếp hoặc gián tiếp; có thể về nội dung chuyên môn, có thể hỗ trợ về kinh phí tổ chức hoạt động hay hỗ trợ địa điểm, phương tiện giáo dục; hoặc tạo cơ hội, điều kiện thuận lợi học sinh tham gia các hoạt động học tập hiệu quả.
Chương trình góp phần hướng tới mục tiêu “Trường học hạnh phúc, thân thiện, học sinh tích cực”. Đó chính là thông điệp mà nhà trường gửi gắm sau buổi sinh hoạt ý nghĩa này”, Hiệu trưởng Hoàng Thị Hương nhấn mạnh.